Tạo điều kiện thoát nghèo từ du lịch cộng đồng
Với quyết tâm của chính quyền địa phương, được sự ủng hộ của lãnh đạo TX Hoài Nhơn và sự đồng thuận của người dân, xã Hoài Hải xây dựng kế hoạch tạo sinh kế cho các hộ nghèo, cận nghèo bằng mô hình du lịch cộng đồng tại thắng cảnh Mũi Gành, bước đầu đem lại hiệu quả tích cực.
Mũi Gành là một bãi đá nhô ra biển, qua thời gian tạo thành những hình thù lạ mắt cùng một số vũng nước nhỏ được bao bọc bởi đá xung quanh. Nơi đây được nhiều người chọn là điểm tắm biển tương đối an toàn, ngay cả với trẻ em, vì mực nước thấp, thi thoảng có những đợt sóng xô vào đá tung bọt trắng xóa đưa nước vào trong các “hồ” tự nhiên. Men theo Mũi Gành chừng vài trăm mét sẽ đến Bãi Con, với bãi cát vàng cong hình vầng trăng khuyết còn khá nguyên sơ, nước trong xanh tuyệt đẹp, rất phù hợp để cắm trại, tắm biển.
Các hồ nước tự nhiên tại thắng cảnh Mũi Gành với mực nước thấp giúp du khách tắm biển an toàn. Ảnh: LÊ NA |
Nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch của Mũi Gành, xã Hoài Hải đã đầu tư xây cầu men theo gành đá để thuận tiện cho việc di chuyển đến Bãi Con, thay vì phải đi lên đỉnh Mũi Gành khá mất thời gian và nguy hiểm. Sau khi có “con đường” mới, lượng khách đến với Mũi Gành tăng lên hàng chục lần so với trước đây, đặc biệt là những ngày cuối tuần. Khách đến đây tắm biển, thưởng thức hải sản với giá bình dân trong không khí trong lành, bình yên.
Để khai thác hiệu quả thắng cảnh Mũi Gành, xã Hoài Hải đã quy hoạch sơ bộ khu vực bãi đậu xe, bố trí các gian hàng ăn uống, dịch vụ tắm nước ngọt, điểm check in… Trong đó, quy hoạch xây dựng 54 ki ốt bằng vật liệu thân thiện với môi trường, ưu tiên cho người dân thuộc hộ nghèo, cận nghèo và vừa thoát nghèo, xem đây là sinh kế giúp họ vươn lên thoát nghèo bền vững. Ông Trần Minh Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Hoài Hải, cho biết: “Kế hoạch của xã được lãnh đạo TX Hoài Nhơn ủng hộ và đang hoàn thiện chủ trương đầu tư thêm một số hạng mục từ đầu năm 2024, nhằm tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh và sự thoải mái cho du khách”.
Để tạo nền nếp trong hoạt động kinh doanh, UBND xã đã ban hành quy định tạm thời, yêu cầu các hộ dân chấp hành như: Giữ gìn vệ sinh khu vực buôn bán và không gian chung, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bán đúng giá công bố, không “chặt chém”… Bên cạnh đó, công tác thu gom, xử lý rác thải cũng được quan tâm, với các thùng rác được bố trí tại khu vực công cộng, khu vực các ki ốt, hằng ngày được đưa đến địa điểm tập kết. Xã cũng hợp đồng với lực lượng thu gom rác, những dịp lễ, tết, lượng khách đông, tần suất thu gom rác được nâng lên, nhân công tham gia cũng nhiều hơn.
Vào TP Hồ Chí Minh làm việc, nhưng đợt dịch Covid-19 vừa qua khiến công ty gặp khó khăn, anh Trần Tri Đoan (SN 1985) thất nghiệp phải quay về Hoài Hải ở với mẹ. Thu nhập gia đình chủ yếu trông cậy vào việc bán mắm của mẹ, nhưng khá bấp bênh. Thuộc diện hộ nghèo, gia đình anh được xã tạo điều kiện buôn bán hàng ăn uống tại một ki ốt ở Mũi Gành. Anh Đoan cho biết: “Quán ăn của tôi hoạt động từ hơn 1 tháng qua. Vào những ngày nắng ráo, quán đón khoảng 40 - 50 lượt khách, những ngày cuối tuần số lượng khách tăng gấp 2 - 3 lần nên phải nhờ thêm đứa cháu hỗ trợ. Nhìn chung, thu nhập ở đây ổn định hơn so với khi làm ở TP Hồ Chí Minh, lại được ở nhà chăm sóc mẹ nên tôi rất biết ơn chính quyền địa phương đã tạo sinh kế cho gia đình, hướng tới thoát nghèo”.
Để quảng bá cho thắng cảnh Mũi Gành, tháng 8 vừa qua, xã đã tổ chức giải bóng đá bãi biển; các trận đấu được tường thuật trực tiếp trên trang mạng xã hội Facebook. UBND xã Hoài Hải đang sửa lại đường dẫn, cầu từ Mũi Gành sang Bãi Con theo hướng thay thế bằng chất liệu tre, gỗ, phù hợp với cảnh quan, đảm bảo chống chịu được trước tác động của thời tiết và nước biển. Bên cạnh đó, quy hoạch khu vực tổ chức biểu diễn bả trạo, võ cổ truyền…; bố trí quầy bán sản phẩm OCOP, giới thiệu những sản phẩm tiêu biểu của TX Hoài Nhơn.
Ông Trần Minh Đức cho biết thêm: “Lãnh đạo xã và các hội, đoàn thể thường xuyên theo dõi, nhắc nhở bà con tuân thủ các quy định để mô hình du lịch cộng đồng phát triển đúng định hướng, tạo thành điểm đến hấp dẫn cho du khách và cải thiện đời sống của người dân địa phương”.
LÊ NA